• Trang chủ
  • Những điều bạn nên biết khi lập bàn thờ tại gia

Những điều bạn nên biết khi lập bàn thờ tại gia

Tại không gian thờ cúng trong mỗi gia đình người Việt, bàn thờ luôn được coi là nơi linh thiêng nhất để con cháu thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Về một khía cạnh nào đó nó cũng được xem như nhịp cầu kết nối giữa thế giới của người sống với người đã khuất.

Như một lẽ bình thường, ai ra ở riêng cũng lập bàn thờ và khi chuyển đến nhà mới việc lo đầu tiên là chuyển Bếp, tiếp đến là bàn thờ, sau mới tính tiếp chuyển thứ khác.

– Về kiểu dáng, bàn thờ có nhiều loại: có loại bàn thờ có 4 chân (với nhà có gian thờ riêng), loại bàn thờ gắn trên tường (với gia đình ở tập thể, chung cư) hay đặt trên nóc tủ chè, tủ li… Hoặc ngày nay, nhiều gia đình, dòng họ hay cả Đền, Chùa, Miếu đã xây một chiếc bàn thờ bằng bê tông, lát gạch men, dưới gầm bàn thờ là ngăn hộc đựng lễ vật và tài sản quý báu.

Những điều bạn nên biết khi lập bàn thờ tại gia

Bàn thờ gia tiên khắc chữ Vạn

Ngoài bàn thờ Gia tiên, nhiều gia đình có thêm bàn thờ Thần linh, bàn thờ Phật, bàn thờ Thần tài, thờ Thổ công, thờ Bà Cô- Ông Mãnh…

1. Bàn thờ Phật

Thường được lắp đặt nơi cao nhất trong phòng thờ của gia đình, trên bàn thờ có ảnh hoặc tượng của vị Phật mà mình muốn thờ. Chính giữa có bát nhang hay lư trầm. Bên cạnh có bình hoa và đĩa trái cây, 3 chén nước, cặp đèn cầy hay đèn điện… Tuyệt đối không được đặt đồ lễ mặn và giấy tiền vàng bạc trên bàn thờ Phật. Khi cúng Phật, phải dùng đồ chay.

2. Bàn thờ Thần linh

Thường được đặt chung với bàn thờ Gia tiên. Bát hương thờ Thần linh đặt chính giữa và cao hơn hai bát nhang còn lại. Đằng sau có bài vị thường chỉ có một chữ “Thần” hay 4 chữ “Thần Tiên Linh ứng”.

Trước bát nhang để 3 chén nước trên cùng một cái khay bằng đồng hoặc sứ. Về cuối năm hay đầu năm, người ta thường cúng một bộ đồ quan Thần linh bao gồm mũ, áo, hia, ngựa theo ngũ hành (Vàng, trắng, đen, xanh, đỏ) và 1000 vàng hoa theo màu bộ quan Thần linh. Thờ Thần có thể cúng mặn như xôi, gà…

3. Bàn thờ gia tiên

Trước hết, chúng ta cần chú ý nơi đặt bàn thờ gia tiên:

– Không được đặt bàn thờ gia tiên cao hơn bàn thờ Thần, Phật.
– Không được kê giường ngủ đối diện với bàn thờ.
– Không được kê bàn thờ sát nhà tắm, đặt ở lối đi.
– Không để Bàn thờ đặt trên nóc tủ.

Bài trí bàn thờ gia tiên:

Tuỳ gia cảnh mà thông thường trên bàn thờ có thể là Tam sự hoặc Ngũ sự, bát hương, lọ hoa, ngai chén thờ. Đầy đủ hơn thì có thêm bộ hoành phi, cuốn thư câu đối, ngai thờ, bài vị…Cách xếp đặt các tự khí trên cũng có khác biệt với mỗi gia đình, vùng miền.

– Bát nhang thờ Thổ Công-Thần linh: đặt cao hơn, ở chính giữa.

– Bát nhang thờ Gia tiên: Bát nhang Cửu Huyền Thất Tổ nội ngoại tôn thân này được đặt ở phía bên tay trái từ trong bàn thờ nhìn ra.

– Bát nhang Bà Cô – Ông Mãnh Tổ dùng để thờ những người chết trẻ, chưa vợ, chưa chồng nhiều đời nhiều kiếp của gia tộc, được đặt ở phía bên tay phải từ trong bàn thờ nhìn ra.

4. Bàn thờ người mới mất

Những người mới mất chưa được thờ chung với tổ tiên mà được lập một bàn thờ riêng tại gian thờ hoặc gian nhà ngang. Được bài trí tương đối sơ sài: một bát nhang, bài vị (hoặc ảnh), lọ hoa, chén nước, ngọn đèn… Trong vòng 49 (終七, tức lễ Chung thất) ngày, người ta đều thắp hương cơm canh trước khi gia đình ăn cơm, mời người mới mất thụ hưởng gọi là cúng cơm (朝夕面, Triêu tịch diện). Lúc này, linh hồn người chết còn quyến luyến người thân, “hồn vía còn nặng” chưa thể siêu thoát được, vẫn còn luẩn quẩn quanh nhà. Những người sống không muốn tin vào sự thật là họ vừa mới mất đi một người thân, làm vậy để dịu nỗi buồn.

Sau 49 ngày, bát nhang người mới mất sẽ được rước lên bàn thờ tổ tiên. Sau lễ trừ phục (còn gọi là đàm tế 除服) bàn thờ người mới mất sẽ được loại bỏ cùng những đồ thờ riêng, đưa ảnh chân dung và bát nhang lên bàn thờ tổ tiên, đặt hàng dưới. Trường hợp không có bàn thờ tổ tiên thì sẽ vẫn giữ lại như cũ, chỉ cần yết cáo tổ tiên lên bàn thờ tổ.

0/5 (0 Reviews)

Từ khóa:  

Bình luận